Thông tư này khi được ban hành sẽ áp dụng đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm; chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
3 hình thức giám sát
Theo dự thảo, nội dung giám sát đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, gồm: Giám sát việc đáp ứng, duy trì quy định về điều kiện thành lập, cho phép hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; việc tuân thủ quy định về nguyên tắc hoạt động, trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài: Giám sát việc thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.
Dự thảo Thông tư cũng đưa ra 3 hình thức giám sát: Giám sát gián tiếp; giám sát trực tiếp và giám sát tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục qua việc thẩm định kết quả đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Giám sát gián tiếp tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục qua: Việc theo dõi các thông tin trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, trên phần mềm Quản lý Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; Báo cáo của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; Tiếp nhận thông tin phản hồi từ các bên liên quan, thông tin của công dân gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giám sát trực tiếp tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục qua việc Đoàn giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc trực tiếp với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục về một hay một số nội dung cần thiết.
5 tiêu chuẩn đánh giá
Theo dự thảo, có 5 tiêu chuẩn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó, tiêu chuẩn về tổ chức và quản lý với 4 tiêu chí; tiêu chuẩn công khai, minh bạch với 5 tiêu chí; tiêu chuẩn đội ngũ với 4 tiêu chí; tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị với 2 tiêu chí; tiêu chuẩn về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với 5 tiêu chí.
Đánh giá lần đầu với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước mới được thành lập hoặc cho phép thành lập sau 2 năm đầu, kể từ ngày có quyết định cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
Đánh giá định kỳ 5 năm một lần trước khi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước hết thời hạn giấy phép hoạt động.
Đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam: Đánh giá lần đầu sau 2 năm đầu, kể từ ngày có quyết định công nhận tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam; đánh giá định kỳ 5 năm một lần.
Kết quả đánh giá nhằm giúp tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc điều chỉnh hạn chế, thiếu sót (nếu có) để bảo đảm đáp ứng các quy định về tổ chức, hoạt động.
Với kết quả này, Bộ Giáo dục và Đào tạo có căn cứ để đưa ra các biện pháp nhằm bảo đảm quy định về lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục được tuân thủ; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định nếu phát hiện tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có sai phạm.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ kết quả đánh giá để xem xét việc gia hạn hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước trong thời gian tiếp theo; có căn cứ để thu hồi quyết định công nhận hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài ở Việt Nam nếu phát hiện sai phạm.
Từ năm 2013 đến nay đã có 5 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập và cho phép hoạt động, gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG Hà Nội; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Đà Nẵng; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐH Vinh; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục này được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với đối tượng là các cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ sư phạm; các chương trình đào tạo giáo dục các trình độ của giáo dục ĐH, chương trình đào tạo trình độ CĐ sư phạm. 2 trung tâm đã có quyết định cho phép thành lập của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn trực thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục TPHCM; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long trực thuộc công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục Hà Nội. 3 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài tại Việt Nam được Bộ GD&ĐT quyết định cho phép hoạt động gồm FIBAA, AQAS và ASIIN. Thời gian được công nhận và hoạt động tại Việt Nam là 5 năm. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn